PhuthoPortal – Năm 2020, sản lượng bưởi quả trên địa bàn huyện Đoan Hùng ước đạt trên 24.000 tấn, tăng 22,5% so với năm 2019; năng suất đạt 140 tạ/ha; thu nhập bình quân đạt từ 250 – 300 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng và doanh thu từ bưởi Đoan Hùng tăng cao theo từng năm cho thấy sản phẩm đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Để bưởi Đoan Hùng luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, những năm gần đây, huyện đã triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu loại bưởi đặc sản này.
Bưởi Bằng Luân được bày bán tại Hội chợ OCOP tháng 11/2020
Bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân là hai giống cây đặc sản đã làm nên thương hiệu “Bưởi đặc sản Đoan Hùng” với mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước. Do đó, để phát triển 2 giống bưởi đặc sản, huyện Đoan Hùng đã tập trung chỉ đạo rà soát diện tích vườn tạp kém hiệu quả chuyển sang trồng cây bưởi đặc sản; thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cây bưởi để phân công, triển khai đến tất cả các phòng liên quan. Đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn bà con trồng bưởi áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình an toàn VietGap để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp nhận có chọn lọc các loại phân bón và chế phẩm sinh học phù hợp với thực tế tại địa phương phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến phục vụ cho tiêu dùng.
Huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho người dân thông qua các mô hình trình diễn. Chú trọng khuyến khích các hộ nông dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng các công nghệ sinh học nhằm đảm bảo quy trình sản xuất khép kín. Huy động các nguồn vốn nhất là vốn trung hạn với lãi suất thấp, vốn từ các nhà đầu tư theo mô hình liên doanh, liên kết, trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Ông Nguyễn Minh Mạch – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh bưởi Đoan Hùng cho biết: Ngoài việc tập trung chăm sóc theo đúng quy trình VietGap từ tỉa lá, bón phân, hỗ trợ đậu hoa chúng tôi còn chú trọng đến khâu dán tem truy xuất nguồn gốc cho bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân đủ tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã nhằm bảo vệ quyền lợi của người trồng và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời cũng là bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của quê hương.
Ngoài xã Chí Đám, các xã Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc… cũng đã và đang mở rộng diện tích đất để phát triển cây bưởi đặc sản.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đoan Hùng có tổng diện tích bưởi trên 2.400ha, trong đó có 1.420ha bưởi đặc sản; sản lượng bưởi quả đạt trên 20.000 tấn, tăng 12.000 tấn so với năm 2015; giá trị sản phẩm đạt trên 300 tỷ đồng. Bình quân mỗi ha bưởi đặc sản cho thu nhập cao gấp 6 lần trồng lúa và gấp 30 lần trồng cây lâm nghiệp, gấp 5 lần trồng chè. Giá trị sản phẩm mang lại từ cây bưởi đặc sản đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp của huyện tăng 5,02%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,69 triệu đồng/năm.
Bưởi Đoan Hùng trở thành loại cây đặc sản có giá trị riêng của huyện Đoan Hùng và của tỉnh Phú Thọ. Năm 2006, bưởi đặc sản Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý công nhận là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ; đồng thời 3 lần được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”. Trong năm 2020, bưởi Đoan Hùng được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 28 sản phẩm OCOP của tỉnh và tham gia trưng bày giới thiệu tại Hội chợ OCOP được tổ chức tháng 11/2020 – đây là “đòn bẩy” quan trọng giúp sản phẩm bưởi Đoan Hùng nói riêng và cây ăn quả có múi nói chung quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Minh Mạch chăm sóc bưởi Sửu theo quy trình VietGap
Mục tiêu đến năm 2025, huyện Đoan Hùng sẽ nâng tổng diện tích cây bưởi đạt 3.000ha; sản lượng trên 30.000 tấn, đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu “Bưởi đặc sản Đoan Hùng”. Để đạt được mục tiêu này, bước vào năm 2021, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn rà soát quỹ đất, trong đó có thể tận dụng một số diện tích đất cao hạn, diện tích chân ven gò đồi để trồng mới 840ha bưởi đặc sản; xây dựng kế hoạch thành lập các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp cho bà con nông dân với giá thành hợp lý.
Huyện cũng sẽ mở rộng mô hình liên kết từ trồng, chăm sóc theo hướng VietGiap để phát triển vùng bưởi bền vững; tăng cường quảng bá, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; tập trung nguồn lực ưu tiên cho các địa phương xác định vùng trồng bưởi trọng điểm.
Bên cạnh đó, huyện đã ban hành các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem nhãn điện tử kết hợp với tem nhãn thông thường để tạo dựng cơ sở sản xuất – kinh doanh có uy tín; mở rộng bán hàng bằng thương mại điện tử cho các sản phẩm bưởi.
Bưởi Đoan Hùng được truy xuất nguồn gốc bằng tem nhãn điện tử
UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương phải ưu tiên vấn đề an toàn thực phẩm; có cơ chế hỗ trợ về đất đai, tạo điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất cao hạn, trồng bưởi trong đất rừng sản xuất có độ dốc thấp; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống tưới vùng đồi. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích một cách tràn lan, chú trọng chất lượng cây giống, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, tránh trồng theo tín hiệu thị trường.
“Tiếp tục phát triển bền vững thương hiệu “Bưởi Đoan Hùng”, huyện đang khuyến khích nông dân liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bưởi để tăng cường năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp tiêu thụ gắn với vùng sản xuất theo hướng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm bưởi tại các hội chợ, củng cố, tiếp tục phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị” – ông Đào Quý Cường – Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết.